Phanh ABS xe máy là gì? Cấu tạo, nguyên lý hoạt động & lưu ý sử dụng
Phanh ABS xe máy là gì? Cấu tạo, nguyên lý hoạt động & lưu ý sử dụng
Nhờ cơ chế bám - nhả liên tục, hệ thống chống bó cứng phanh ABS có khả năng giúp xe máy không bị mất lực bám ngang khi phanh đột ngột. Đây cũng là một trong những tính năng được nhiều khách hàng quan tâm khi lựa chọn mua xe máy. Tìm hiểu chi tiết về phanh ABS xe máy là gì, có cấu tạo và cơ chế hoạt động như thế nào,... để có sự lựa chọn phù hợp.
Hiện nay, một số loại xe máy được nhà sản xuất trang bị hệ thống phanh ABS trên xe máy với mục đích bảo vệ an toàn cho người điều khiển trong một số trường hợp cần thiết. Ngoài việc tìm hiểu chi tiết về phanh ABS xe máy là gì và cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hệ thống ABS, người dùng cũng nên nắm rõ một số lưu ý khi sử dụng phanh ABS xe máy và tác dụng của phanh ABS trên xe máy.
1. Phanh ABS xe máy là gì?
Phanh ABS xe máy (Anti-lock Braking System) là hệ thống chống bó cứng phanh, giúp hạn chế nguy cơ bánh xe bị bó cứng, mất độ bám đường dẫn đến bị trượt, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện. Hệ thống phanh ABS trên xe máy được phát minh bởi Gabriel Voisin vào năm 1920. Đến năm 1988, ABS lần đầu tiên được trang bị trên xe máy, trải qua nhiều lần cải tiến và nâng cấp để hoàn thiện hơn.
Nếu xảy ra tình huống người điều khiển bắt buộc phải phanh gấp, hệ thống phanh xe đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người lái và phương tiện. Đối với hệ thống phanh ABS trên xe máy, tính năng bóp nhả liên tục của hệ thống giúp xe giảm tốc mà không khóa cứng bánh xe, hạn chế lực tác động vào đĩa phanh, giúp người lái tránh được tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
>> Tìm hiểu thêm: Phanh đĩa xe máy và những điều cần lưu ý khi sử dụng
2. Cấu tạo phanh ABS xe máy
Cấu tạo phanh ABS xe máy gồm các bộ phận chính như sau:
- Cảm biến tốc độ: Giúp hệ thống phanh ABS có thể kiểm tra và đảm bảo tốc độ quay của bánh, lực phanh, khả năng cân bằng của xe trong phạm vi cho phép. Cảm biến này thường được lắp đặt trên bánh trước, bánh sau, cả hai bánh xe hoặc ở bộ vi sai tùy vào mỗi dòng xe. Đối với những xe máy có cảm biến gắn ở cả hai bánh, hệ thống ABS sẽ so sánh tín hiệu giữa hai bánh để phát hiện tình huống nguy hiểm.
- Bộ xử lý và điều khiển điện tử trung tâm ECU: Đây là bộ phận có nhiệm vụ tiếp nhận và phân tích thông tin từ cảm biến gửi về. Nếu nhận thấy xe sắp gặp nguy hiểm, ECU sẽ lập tức ra lệnh để các bộ phận khác kích hoạt, kịp thời ngăn chặn tình huống xấu xảy ra. ECU còn có khả năng ghi nhớ và lưu trữ các thông số trước đó, tự động kích hoạt phanh ABS đối với các trường hợp tương tự.
- Hệ thống bơm thủy lực và các van điều chỉnh: Có kết cấu gồm một piston và xi lanh, giúp điều chỉnh lực đẩy lượng dầu tác động lên má phanh thông qua hệ thống van điều chỉnh gồm 3 vị trí cơ bản là:
- Vị trí 1: Tạo nên áp lực phanh tương đương với áp lực của người lái lên bàn đạp phanh, được truyền trực tiếp tới bánh xe.
- Vị trí 2: Có chức năng chính là tăng áp lực phanh từ bàn đạp phanh lên bánh xe.
- Vị trí 3: Giúp giảm áp lực phanh từ bàn đạp phanh lên bánh xe.
3. Nguyên lý hoạt động phanh ABS xe máy
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS xe máy hoạt động rất đơn giản. Khi người lái bóp phanh đột ngột, bánh xe thường rơi vào tình trạng bó cứng, dẫn đến bị trượt khỏi mặt đường. Tuy nhiên, hệ thống phanh ABS xe máy sẽ hoạt động theo nguyên lý sau:
- Hệ thống ABS dựa vào thông số đã nhận được từ cảm biến cũng như động tác phanh xe của người lái để đưa ra áp lực phanh. Khi xuất hiện trường hợp một bánh có tốc độ quay chậm hơn so với bánh còn lại, phanh ABS sẽ thực hiện quá trình nhả (giảm áp suất tác động lên đĩa) thông qua bơm và van thủy lực. Ngược lại trong trường hợp bánh quay quá nhanh, áp suất tác động lên đĩa tăng (gọi là quá trình ấn) để hãm tốc độ quay của bánh. Từ đó, xe vận hành được ổn định và người lái kiểm soát được quỹ đạo một cách dễ dàng.
- Hệ thống tiến hành động tác ấn - nhả thanh kẹp trên phanh đĩa tần suất 15 lần mỗi giây, giúp giữ phanh hoạt động ổn định, hạn chế tình trạng phanh ngừng hoạt động như các xe không trang bị ABS. Sau khi tránh khỏi tình trạng nguy hiểm, hệ thống tự động áp dụng lực phanh lớn nhất để xe dừng lại kịp thời.
- Nếu bộ phận ECU phát hiện tốc độ bánh xe thấp hơn mức an toàn, các bơm và van thủy lực sẽ hoạt động. Theo đó, phanh ABS sẽ làm giảm áp lực lên đĩa xe, hạn chế tình trạng bó cứng.
4. Một số lưu ý khi sử dụng hệ thống phanh ABS trên xe máy
Để cơ chế hoạt động phanh ABS xe máy diễn ra hiệu quả, người điều khiển phương tiện cần lưu ý một số điều sau:
- Không chủ quan trong việc điều chỉnh tốc độ xe khi di chuyển cũng như dùng phanh. Bởi vì hệ thống chống bó cứng phanh không thể đảm bảo hiệu quả 100% trong mọi trường hợp.
- Hạn chế việc sử dụng phanh nhanh và liên tục gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả làm việc của hệ thống phanh ABS. Tình trạng này kéo dài cũng sẽ làm giảm tuổi thọ của phanh.
- Giữ khoảng cách an toàn trước khi thực hiện thao tác đạp phanh.
- Không nên tăng tốc khi vào cua vì dễ dẫn đến tình trạng xe bị lệch tâm và người điều khiển phương tiện không thể điều hướng xe theo ý muốn.